Mức lương tối thiểu vùng tăng thêm 250 nghìn đồng từ năm 2015

Theo Nghị định 103/2014/NĐ-CP, từ năm 2015, mức lương tối thiểu vùng áp dụng đối với người lao động ...sẽ tăng thêm từ 250 nghìn đồng đến 400 nghìn đồng. Chính sách này thay đổi theo hướng có lợi cho người lao động.

Theo Nghị định 103/2014/NĐ-CP, từ năm 2015, mức lương tối thiểu vùng áp dụng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các cơ quan, tổ chức có thuê mướn lao động theo hợp đồng lao động sẽ tăng thêm từ 250 nghìn đồng đến 400 nghìn đồng. Chính sách này thay đổi theo hướng có lợi cho người lao động.

Cụ thể, các đối tượng ở Vùng I (bao gồm các quận và một số huyện của TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, một số đô thị của các địa phương khác): 3.100.000 đồng/tháng. Vùng II (các huyện còn lại thuộc TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, thị xã, huyện có thu nhập bình quân tính trên đầu người cao): 2.750.000 đồng/tháng. Vùng III (bao gồm các thành phố trực thuộc tỉnh còn lại (trừ các thành phố trực thuộc tỉnh nêu tại vùng I, II) và một số thị xã, huyện có thu nhập bình quân tính theo đầu người tương đối cao): 2.400.000 đồng/tháng. Vùng IV (bao gồm các địa phương còn lại): 2.150.000 đồng/tháng. Như vậy, mức lương tối thiểu vùng mới sẽ cao hơn mức lương hiện nay từ 250.000 đến 400.000 đồng/tháng.

Theo ý kiến của một số chuyên gia kinh tế và lãnh đạo doanh nghiệp, mức tăng này là phù hợp với tốc độ tăng giá tiêu dùng, năng suất lao động và hài hòa lợi ích giữa người lao động - chủ doanh nghiệp.

Mức lương tối thiểu vùng như trên là mức thấp nhất làm cơ sở để doanh nghiệp và người lao động thỏa thuận và trả lương. Căn cứ vào mức lương tối thiểu vùng và các nội dung thỏa thuận trong hợp đồng lao động với người lao động, thỏa ước lao động tập thể hoặc quy chế của doanh nghiệp, doanh nghiệp phối hợp với Ban chấp hành công đoàn cơ sở và người lao động để thỏa thuận, xác định mức điều chỉnh các mức lương trong thang lương, bảng lương, mức lương ghi trong hợp đồng lao động và mức lương trả cho người lao động phù hợp, bảo đảm các quy định của pháp luật lao động và tương quan hợp lý tiền lương giữa lao động chưa qua đào tạo với lao động đã qua đào tạo và lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao, giữa lao động mới tuyển dụng với lao động có thâm niên làm việc tại doanh nghiệp.

Một số đối tượng được tăng 8% lương và trợ cấp

Cũng từ năm 2015, tăng 8% lương cho đối tượng có thu nhập thấp, bao gồm các đối tượng hưởng lương hưu, trợ cấp ưu đãi người có công và tiền lương đối với cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang có thu nhập thấp (hệ số lương từ 2,34 trở xuống) từ ngày 01/01/2015.

Nội dung này được quy định tại Nghị quyết 78/2014/QH13 về dự toán ngân sách nhà nước năm 2015 của Quốc hội.

Theo Nghị định 27/2014/NĐ-CP mức lương với người lao động giúp việc gia đình được áp dụng theo quy định tại khoản 1 Điều 179 Bộ luật Lao động 2012 và không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng.

Như vậy, mức lương đối với người giúp việc gia đình cũng phải thay đổi theo mức lương tối thiểu vùng mới từ ngày 01/01/2015.

Cũng theo Bộ luật Lao động 2012, mức lương tối thiểu ngành được xác định thông qua thương lượng tập thể ngành, được ghi trong thỏa ước lao động tập thể ngành và mức lương này không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng.

Như vậy, từ ngày 01/01/2015 mức lương tối thiểu ngành cũng được điều chỉnh cho phù hợp với mức lương tối thiểu vùng mới.

Tiền lương sắp tới của cán bộ quân đội sẽ ra sao?

Theo Nghị định 204 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang thì hệ số lương (so với lương tối thiểu chung, nay gọi là mức lương cơ sở) của sĩ quan quân đội ở một số cấp bậc như sau: Cấp thiếu úy là 4,2 (có nghĩa là gấp 4,2 lần mức lương cơ sở); cấp trung úy là 4,6; cấp thượng úy là 5,0; cấp đại úy là 5,4; cấp thiếu tá là 6,0; cấp trung tá là 6,6; cấp thượng tá là 7,3; cấp đại tá là 8,0… Tổng mức lương và phụ cấp của sĩ quan, hạ sĩ quan hưởng lương bằng 1,8 lần của quân nhân chuyên nghiệp, bằng 1,7 lần so với tổng mức lương và phụ cấp của cán bộ, công chức, viên chức tương đương; công nhân viên quốc phòng xếp lương như công nhân viên Nhà nước và hưởng phụ cấp phục vụ quốc phòng. Binh sĩ không quy định chế độ tiền lương mà thực hiện chế độ ăn định lượng và phụ cấp sinh hoạt phí theo cấp hàm.

Như vậy, sĩ quan quân đội (có cấp bậc từ thiếu úy trở lên) sẽ không được điều chỉnh lương từ 1-1-2015 vì đều có hệ số lương cao hơn 2,34. Với quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên quốc phòng nếu có hệ số lương từ 2,34 trở xuống sẽ được điều chỉnh tăng lương.

Các doanh nghiệp quân đội sẽ thực hiện việc điều chỉnh lương từ 1/1/2015 cho người lao động theo quy định của Nghị định số 103/2014/NĐ- CP ngày 11/11/2014 của Chính phủ.

Cách đây hơn chục năm, trong Tờ trình Quốc hội khóa XI về Đề án cải cách tiền lương, Chính phủ đã khẳng định: “Tiền lương và phụ cấp của lực lượng vũ trang phải phản ánh được mức độ phức tạp, tính chất, đặc điểm, nhiệm vụ, trách nhiệm, cống hiến của lực lượng vũ trang là “một ngành lao động đặc biệt”, vì vậy có bảng lương riêng và giữ mức ưu đãi so với cán bộ công chức như hiện nay". Quốc hội lúc bấy giờ đã nhất trí cao với đề án này và đề án đã góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng quân đội, bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên, đến thời điểm này, nhiều nội dung trong đề án nói trên đã lạc hậu. Tiền lương và thu nhập thực tế của cán bộ quân đội đã không tương xứng với “một ngành lao động đặc biệt” nữa vì từ năm 2004 đến nay, tiền lương của sĩ quan quân đội được điều chỉnh không tương ứng với mức tăng giá sinh hoạt và mức tăng trưởng chung của nền kinh tế.

Để góp phần khắc phục những bất cập trong chính sách tiền lương đối với sĩ quan quân đội và công an, Bộ Chính trị đã chỉ đạo (trong Thông báo số 147-TB/TW và số 111-TB/TW): “Nghiên cứu tách lương khỏi quân hàm để việc phong, thăng quân hàm trong lực lượng vũ trang đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ huy quân đội, công an; đồng thời góp phần bảo đảm chế độ, chính sách, phát huy đội ngũ cán bộ làm công tác nghiên cứu, khoa học kỹ thuật, chuyên môn nghiệp vụ trong lực lượng vũ trang”.

Tiền lương làm thêm giờ ngày lễ, Tết được hưởng 300%

Mức lương đối với công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động và thời gian làm việc bình thường không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định; thời gian trả lương chậm từ 15 ngày trở lên thì phải trả thêm một khoản tiền... Đây là một số nội dung được quy định tại Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật Lao động vừa được Chính phủ ban hành.

Cụ thể về tiền lương, Nghị định quy định tiền lương trả cho người lao động được căn cứ theo tiền lương ghi trong hợp đồng lao động, năng suất lao động, khối lượng và chất lượng công việc mà người lao động đã thực hiện.

Tiền lương ghi trong hợp đồng lao động do người lao động thỏa thuận với người sử dụng lao động để thực hiện công việc nhất định, bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác. Trong đó, mức lương theo công việc hoặc chức danh là mức lương trong thang lương, bảng lương do người sử dụng lao động xây dựng theo quy định tại điều 93 Bộ luật Lao động.

Mức lương đối với công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động và thời gian làm việc bình thường (không bao gồm khoản tiền trả thêm khi người lao động làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm) không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định.

Về thời gian trả lương, Nghị định nêu rõ, thời điểm trả lương do hai bên thỏa thuận và được ấn định vào một thời điểm cố định trong tháng. Người lao động được trả lương trực tiếp, đầy đủ và đúng thời hạn.Việc người sử dụng lao động phải trả thêm cho người lao động do trả lương chậm được quy định như sau: Nếu thời gian trả lương chậm dưới 15 ngày thì không phải trả thêm.

Nếu thời gian trả lương chậm từ 15 ngày trở lên thì phải trả thêm một khoản tiền ít nhất bằng số tiền trả chậm nhân với lãi suất trần huy động tiền gửi có kỳ hạn 1 tháng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm trả lương. Khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam không quy định trần lãi suất thì được tính theo lãi suất huy động tiền gửi có kỳ hạn 1 tháng của ngân hàng thương mại, nơi doanh nghiệp, cơ quan mở tài khoản giao dịch thông báo tại thời điểm trả lương.

Về tiền lương làm thêm giờ, Nghị định quy định tiền lương làm thêm giờ được tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc đang làm; cụ thể, ngày thường, ít nhất bằng 150%; ngày nghỉ hằng tuần, ít nhất bằng 200%; ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương, ít nhất bằng 300%, chưa kể tiền lương ngày lễ, Tết, ngày nghỉ có hưởng lương theo quy định của Bộ luật Lao động đối với người lao động hưởng lương theo ngày.

Nghị định cũng quy định tiền lương làm căn cứ để trả lương cho người lao động trong thời gian ngừng việc, nghỉ hằng năm, nghỉ lễ, tết, nghỉ việc riêng có hưởng lương, tạm ứng tiền lương và khấu trừ tiền lương.

Cụ thể, tiền lương làm căn cứ để trả cho người lao động trong những ngày chưa nghỉ hằng năm hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hằng năm tại Điều 114 của Bộ luật Lao động được quy định như sau:

Đối với người lao động đã làm việc từ đủ 6 tháng trở lên là tiền lương bình quân ghi trong hợp đồng lao động của 6 tháng liền kề trước khi người lao động thôi việc, bị mất việc làm.

Đối với người lao động chưa nghỉ hằng năm hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hằng năm vì các lý do khác là tiền lương bình quân ghi trong hợp đồng lao động của 6 tháng liền kề trước khi người sử dụng lao động tính trả bằng tiền những ngày chưa nghỉ hằng năm.

Đối với người lao động có thời gian làm việc dưới 6 tháng là tiền lương bình quân ghi trong hợp đồng lao động của toàn bộ thời gian làm việc.

Tiền lương tính trả cho người lao động trong những ngày chưa nghỉ hằng năm hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hằng năm là tiền lương quy định ở trên chia cho số ngày làm việc bình thường theo quy định của người sử dụng lao động của tháng trước liền kề trước thời điểm người sử dụng lao động tính trả, nhân với số ngày chưa nghỉ hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hằng năm.

Bemecmedia.vn (Theo nguoiduatin)