Lãnh đạo ngày nay được coi là một nghề vì vậy lãnh đạo phải học nhiều lắm. Học thuật lãnh đạo, thuật quản trị, thuật marketing….Những bài học này không chỉ đơn giản là học mà phải là ngẫm và tìm tòi áp dụng linh hoạt. Hãy xem chúng tôi có gì tặng cho các nhà lãnh đạo nhé
1. Đạo thắng
Bản chất của con người là tự nhiên, một khi tính cách bị ràng buộc, thì sự phát triển sẽ gặp trở ngại, khiến sức mạnh không phát huy được bình thường. Doanh nghiệp cần tạo điều kiện cho nhân viên khai thác hết tiềm năng sẵn có của mình.
Khi cấp trên và cấp dưới, đồng cấp, hay tựu chung là con người đến với nhau bằng sự tự nhiên vốn có, họ sẽ bộc lộ những bản tính sẵn có của mình, không sợ sệt, không e dè, làm cho mối quan hệ trở nên gần gũi, sự giao thoa ngày càng lớn. Đạo thắng là ở đó.
2. Nghĩa thắng
Sai lầm lớn nhất mà các công ty thường mắc phải là hướng sự tập trung vào đặc điểm của sản phẩm/dịch vụ, trong khi cái cần hơn hết chính là lợi ích của sản phẩm/dịch vụ, tác dụng, hiệu quả của chúng thì lại thường bị bỏ qua. Hãy luôn tập trung vào những ích lợi mà sản phẩm tạo ra cho các khách hàng.
Hãy luôn tập trung vào những ích lợi mà sản phẩm tạo ra cho các khách hàng
Chúng ta biết rằng, bất cứ một doanh nghiệp nào muốn tồn tại cũng phải có khách hàng. Vai trò của doanh nghiệp là thỏa mãn một phần nhu cầu của khách hàng. Do vậy hướng tới khách hàng luôn là điểm then chốt trong hầu hết các chiến lược kinh doanh. Việc hướng tới nhu cầu nào của khách hàng là sự lựa chọn của từng doanh nghiệp, tùy theo từng thời điểm.
“Chỉ bán những thứ khách hàng cần” là một trong những triết lý kinh doanh mang lại thành công cho nhiều doanh nghiệp lớn. Điểm mạnh của triết lý này là hướng thẳng vào nhu cầu của khách hàng. Doanh nghiệp cần luôn tự đổi mới về công nghệ cũng như quản lý để nắm bắt và theo kịp thay đổi trong nhu cầu của khách hàng.
Ví dụ: Tỷ phú Trung Quốc, ông Tông Khánh Hậu đã tiến hành một cuộc điều tra trong số 3.000 học sinh ở Hàng Châu, cho thấy gần nửa số học sinh ở đây bị suy dinh dưỡng. Qua cuộc điều tra này, ông quyết định sản xuất một loại nước giải khát bổ dưỡng cho trẻ em dựa trên các bài thuốc dân gian của Trung Quốc. Tháng 11/1988, Wahaha tung ra thị trường sản phẩm nước uống dinh dưỡng đầu tiên của Trung Quốc dành cho trẻ em. Khẩu hiệu “Uống Wahaha, thưởng thức vị ngon” trở nên phổ biến trên khắp đất nước. Từng bước, ông Tông xây dựng Wahaha trở thành công ty bia rượu nước giải khát lớn nhất Trung Quốc.
3. Trị thắng
Một doanh nghiệp hưng thịnh nhất thiết phải có kỷ luật thép. Hiểu là một việc, làm được lại là việc khác. Kỷ luật không nghiêm thì không củng cố được sức mạnh để cai trị. Lấy sự buông lỏng trị buông lỏng thì lại càng không củng cố được sự quản lý. Cần dùng sự cứng rắn, nghiêm chỉnh khiến cho từ trên xuống dưới biết tự kiềm chế mình. Mạnh dạn uốn nắn những cái xấu, cho vào khuôn phép, chú ý khống chế thế lực ngầm trong doanh nghiệp, sự sáng suốt là ở đó, đó gọi là Trị thắng.
Chúng ta xem phim Tây Du Ký thấy rằng, Tôn Ngộ Không luôn dẫn đầu, Tôn Ngộ Không đại diện cho lý trí, lý trí phải đi đầu đánh tan cái xấu, dẹp đường dẹp loạn, có vậy thầy trò Đường Tăng mới lấy chân kinh được.
4. Độ thắng
Đây là nói về lãnh đạo, không phải là người lãnh đạo cao nhất mà là sự lãnh đạo. Luận về vấn đề này gói gọn trong hai chữ “Lòng tin”. Dùng người phải biết tin vào người mình dùng. Một lãnh đạo đa nghi, chỉ dám dùng người thân để đặt vào các vị trí quản lý thì dần dà hình thành một gia đình trị, tạo nên sự mất niềm tin trong nội bộ, khiến nhân viên rời xa mình thì làm sao phát huy hết những tiềm năng sẵn có trong doanh nghiệp được.
Một lãnh đạo sáng suốt, công tâm cần phải biết phân biệt được người hiền – kẻ ngu. Một doanh nghiệp có Độ thắng là người lãnh đạo có sự giản dị dễ gần, còn nội tâm sáng suốt, dùng người không nghi, cứ có tài là dùng, không cần biết là thân hay sơ.
5. Mưu thắng
Hầu như công ty nào cũng mong muốn nhân viên đưa ra ý kiến là làm thế nào cho công ty tốt hơn, mạnh hơn, phát triển hơn… Điều cần thiết là phải có sự quyết đoán. Một lãnh đạo tiếp nhận nhiều mưu kế, nhưng lại không biết quyết đoán, đó là chỗ dở. Những lãnh đạo gặp việc mà có thái độ do dự thường để mất cơ hội tốt.
6. Đức thắng
Đức độ, đạo đức nghĩa là thành thực để cư xử với người, không phô trương một cách rỗng tuếch, và luôn lấy sự cần kiệm để hướng dẫn người dưới quyền. Có cái tâm rộng để dung nạp người tài, có cái tâm lớn để tha thứ khoan dung. Không dung nạp những kẻ nói suông; đối với người có công thì không bao giờ tỏ ra bủn xỉn. Làm được vậy, hiền tài sẽ hội về.
7. Nhân thắng
Đó là trách nhiệm đối với xã hội. Mỗi doanh nghiệp nên chia sẻ thành quả hoạt động của mình với xã hội. Luôn quan niệm rằng doanh nghiệp ra đời để phụng sự xã hội, để đạt mục tiêu hướng tới sự phồn thịnh, chia sẻ những khó khăn với xã hội, đó là một doanh nghiệp đắc nhân tâm.
8. Minh thắng
Trong một tổ chức khó tránh cảnh tranh quyền, gièm pha nhau. Bậc hiền minh sẽ biết dùng đạo để nắm người dưới, triệt tiêu thói a dua, nịnh nọt; chấp nhận và tiếp chấp nhận lời nói thẳng, trái ý mình. Còn bằng như lòng độ lượng nhỏ, khí tiết không to dễ sinh ra nông nổi, tất dẫn đến tình trạng những người trí giả dưới tay mình ngấm ngầm đấu tranh với nhau, còn người trên tranh quyền đoạt lợi. Kết cục, người ngay thẳng và những trí giả thì bị hãm hại, còn kẻ tiểu nhân thì hoành hành. Dùng người có phương pháp, không bao giờ chịu nghe lời gièm pha để nội bộ luôn đoàn kết, đó là cách làm của Minh thắng.
Bậc hiền minh sẽ biết dùng đạo để nắm người dưới
9. Văn thắng
Đối với người biết phân biệt thị phi, người chân chính thì dùng lễ để đãi ngộ, hay còn gọi là tôn trọng. Với người không chân chính thì trừng trị bằng luật pháp, ấy là lẽ thường. Đó gọi là Văn thắng.
10. Võ thắng
Biết dấn thân, chấp nhận hy sinh để đổi một lấy hai, bỏ hai được bốn, vứt bốn thu mười. Đạo bỏ cũng là một cách thắng. Hiểu về quản trị là phải biết khi nhu khi cương, biết tiến biết lùi, khi tỏ khi mờ. Doanh nghiệp còn non, thời cơ chưa đến thì khoan phô trương thanh thế. Về mặt chiến lược, thì cần phải “đánh” những trận có chuẩn bị chu đáo, tuyệt đối không manh động, liều lĩnh. Phải biết nắm thời cơ, biết sáng tạo thời cơ.
Bemecmedia.vn (st)