Tin kinh doanh ngành dược quý II/2015 bé soán ngôi

Theo báo cáo tài chính quý II năm 2015, một loạt các doanh nghiệp dược niêm yết cho thấy: các doanh nghiệp dẫn đầu ngành dược như DHG, TRA đã giảm sút về lợi nhuận trong khi một số doanh nghiệp nhỏ hơn lại tăng trưởng mạnh.

Theo báo cáo tài chính quý II năm 2015, một loạt các doanh nghiệp dược niêm yết cho thấy: các doanh nghiệp dẫn đầu ngành dược như DHG, TRA đã giảm sút về lợi nhuận trong khi một số doanh nghiệp nhỏ hơn lại tăng trưởng mạnh.

Theo tổng hợp, sau khi đón nhận thêm CTCP Dược Phẩm TW3 (mã chứng khoán là DP3) mới lên sàn HNX hôm 17/7, tổng doanh thu thuần của 16 doanh nghiệp dược niêm yết kỳ này đạt 6.117 tỷ đồng, tăng nhẹ 3,2% so với cùng kỳ năm 2014. Tổng lợi nhuận sau thuế tăng 4,1%, đạt mức 340,8 tỷ đồng.

Trong kỳ này, công ty CP Dược Hậu Giang (mã chứng khoán là DHG) mặc dù vẫn tiếp tục giữ vị trí cao với lợi nhuận cao nhất nhưng so với cùng kỳ năm trước, chỉ số này có phần giảm sút.

Trong quý II năm 2015, doanh thu thuần quý này đạt 788,8 tỷ đồng, giảm 18% so với quý II năm ngoái. Nguyên nhân chủ yếu do các khoản giảm trừ doanh thu chiếm tới 103 tỷ đồng trong khi cùng kỳ chỉ hơn 13 tỷ đồng, chủ yếu do khoản chiết khấu thương mại tăng cao. Lợi nhuận gộp thu về chỉ còn 310 tỷ đồng, giảm 39%.

Quý này, trong khi doanh thu hoạt động tài chính chỉ mang về 7,2 tỷ đồng (tương ứng giảm 21%), thì chi phí tài chính lại tăng 18%, chiếm 20,2 tỷ đồng. Bù lại, chi phí bán hàng và chi phí quản lý đã được cắt giảm đáng kể, lần lượt giảm 53% và 62%.

Mặc dù công ty cũng ghi nhận thêm 25,3 tỷ đồng lợi nhuận khác song sự sụt giảm về doanh thu đã kéo theo việc lợi nhuận sau thuế quý II giảm nhẹ 2%, đạt 148,3 tỷ đồng.

Một đầu tàu khác trong ngành dược cũng ghi nhận lợi nhuận giảm sút là Công ty CP Traphaco (mã TRA). Cụ thể, trong kỳ, công ty đạt doanh thu thuần gần 500 tỷ đồng, tăng 16,2% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, do chi phí tài chính tăng mạnh lên 22 tỷ đồng (cùng kỳ năm trước, con số này chỉ là 1,3 tỷ đồng) trong khi chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp lần lượt tăng 28,8% và 28,7% đã làm cho lợi nhuận sau thuế của công ty giảm 10,2%, xuống còn 36,8 tỷ đồng.

Mặc dù trong kỳ có tới 50% doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận giảm nhưng nhờ sự tăng trưởng mạnh của các doanh nghiệp khác như OPC, DBT, DCL đã giúp nâng kết quả chung của cả ngành.

Công ty CP Dược Phẩm Imexpharm (mã IMP) có kết quả kinh doanh khá ấn tượng trong kỳ khi đạt mức doanh thu thuần 230 tỷ đồng, tăng trưởng 16% nhờ mở rộng thị trường. Đồng thời, IMP cũng tái cơ cấu doanh mục sản phẩm bán ra, tập trung vào các sản phẩm chủ lực có giá trị và lợi nhuận biên cao hơn, qua đó lợi nhuận gộp đạt 115 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước.

Ngoài ra, doanh thu hoạt động tài chính cũng cải thiện đáng kể từ mức 2,7 tỷ lên 10,7 tỷ nhờ nhận cổ tức từ các khoản đầu tư tài chính.

Sau khi trừ đi các chi phí, IMP có lãi ròng hơn 27 tỷ đồng, tăng trưởng 32% so với cùng kỳ năm trước.

Công ty CP Dược phẩm OPC (mã OPC) cũng ghi nhận sự tăng trưởng mạnh về lợi nhuận. Cụ thể, kết thúc quý II, OPC đạt 166,5 tỷ đồng doanh thu, tăng gần 3% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, lợi nhuận sau thuế tăng tới 48,5%, đạt hơn 18 tỷ đồng.

C00ng ty CP  Dược Phẩm Bến Tre (DBT) cũng là một trong những doanh nghiệp đạt kết quả kinh doanh tốt trong kỳ qua. Cụ thể, DBT đạt doanh thu thuần 140 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước. Giá vốn hàng bán giảm khiến lợi nhuận gộp quý II tăng 47% so với cùng kỳ, đạt 32,4 tỷ đồng. Chi phí quản lý trong kỳ của DBT lớn gấp 2,5 lần cùng kỳ năm trước. Kết quả quý II, dược phẩm Bến tre đạt 6,1 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng trưởng 86%.

(theo Biz)