Ngày nay, văn hoá doanh nghiệp đang được coi là một loại tài sản vô hình. Loại tài sản này có thể đưa doanh nghiệp ngày càng làm ăn phát đạt, nhưng nếu chúng ta không biết phát huy thì nó sẽ đưa doanh nghiệp nhanh chóng đến chỗ phá sản.
Vậy văn hoá doanh nghiệp là gì? Có hay không văn hoá doanh nghiệp ở các nước tiên tiến trên thế giới? Vận dụng nó ra sao trong mỗi doanh nghiệp của Việt Nam thời hội nhập? Làm gì để phát huy loại tài sản quý giá này?... là những vấn đề mà tác giả muốn chia sẻ trong bài viết.
Văn hoá doanh nghiệp
Khái niệm về văn hoá doanh nghiệp đã được đưa ra bàn từ lâu, và cho đến nay vẫn đang có nhiều cách hiểu khác nhau, đó là: Văn hoá doanh nghiệp là lực lượng tinh thần, tinh thần ở đây là toàn bộ sự phấn kích, cạnh tranh trong sản xuất kinh doanh theo đúng nghĩa lành mạnh; Văn hoá doanh nghiệp là lực lượng vật chất, cách này cho rằng, nhờ có cách ứng xử văn hoá mà doanh nghiệp tạo ra được một lượng vật chất nhiều hơn, tốt hơn; Văn hoá doanh nghiệp là lực lượng vất chất và tinh thần của doanh nghiệp. Cách này cho rằng, sự kết hợp hài hoà các yếu tố cần thiết trong mỗi doanh nghiệp để tạo ra bầu không khí làm việc hăng say của người lao động, tạo ra nhiều của cải vật chất, vật chất được tạo ra một phần sử dụng vào tái tạo sức lao động để mọi người lại tiếp tục lao động sáng tạo ra nhiều sản phẩm có chất lượng tốt hơn, và số lượng nhiều hơn. Bằng những quan niệm khác nhau mà người ta ứng xử nó cũng khác nhau trong chính mỗi doanh nghiệp.
Văn hoá doanh nghiệp được coi là nền tảng để phát triển doanh nghiệp.
Để hiểu đúng văn hoá doanh nghiệp chúng ta cần có điểm xuất phát đúng, tức là phải thừa nhận hai yếu tố cấu thành, đó là: Văn hoá, theo đó là văn hoá phải gắn với doanh nghiệp. Đại từ điển tiếng Việt do Nguyễn Như ý chủ biến viết:
Văn hoá doanh nghiệp là toàn bộ các giá trị văn hoá được xây dựng nên trong suốt quá trình hình thành và phát triển của mỗi doanh nghiệp. Trong môi trường chung đó những quan niệm, tập quán, ứng xử của các thành viên trong doanh nghiệp dần được hình thành và trở thành những giá trị mặc định của doanh nghiệp, mà những nhân viên gia nhập buộc phải hoà nhập vào nên VH đó.
Đôi khi những yếu tố truyền thống, văn hoá của dân tộc cũng tác động một phần đến môi trường tới hoạt động của doanh nghiệp, tác động này chi phối tình cảm, lý trí, cách suy nghĩ và hành vi của doanh nghiệp và trong cộng đồng doanh nghiệp với người sử dụng sản phẩm của doanh nghiệp.
Văn hoá doanh nghiệp còn được coi là nền tảng để phát triển doanh nghiệp, được cấu thành bởi mục đích kinh doanh và phương pháp kinh doanh. Là tổng hoà các quan niệm về giá trị được tạo ra từ đạo đức, ý tưởng kinh doanh, triết lý kinh doanh, mục đích kinh doanh, phương pháp kinh doanh và hiệu quả phục vụ cho chính những con người cần cù lao động sáng tạo để tạo ra ngày càng nhiều của cải vật chất cho xã hội… Dù có diễn giải thế nào thì văn hoá doanh nghiệp vẫn phải dựa trên cơ sở là cách thức ứng xử của mỗi thành viên trong doanh nghiệp mà biểu hiện của nó là các hành vi quản lý lao động, sáng tạo lao động và các hoạt động của doanh nghiệp phải phù hợp với các quy định của pháp luật trong mặt bằng chung và của hiệp hội ngành nghề nói riêng.
Văn hoá doanh nghiệp ở các nước tiên tiến trên thế giới
Theo các nhà nghiên cứu cho biết: Hầu hết các doanh nghiệp thành công trên thế giới đều duy trì, gìn giữ nếp văn hoá doanh nghiệp của mình thành nếp sinh hoạt truyền thống để giáo dục cho cán bộ, công nhân, người lao động của doanh nghiệp đó. Điều cần nói đến ở đây là sự khác biệt giữa các nền văn hoá của các dân tộc có khác nhau nên văn hoá doanh nghiệp cũng khác nhau, theo đó là tác động ảnh hưởng cũng khác nhau đến người lao động, người sử dụng các thành quả lao động đó cũng khác nhau.
Văn hoá doanh nghiệp kiểu Nhật Bản tạo cho doanh nghiệp một không khí làm việc dựa trên cơ sở quan hệ với các thành viên như trong một gia đình.
Trên thực tế, mỗi nền văn hoá khác nhau đều đưa đến nhận thức khác nhau và tác động đến hệ thống văn hoá doanh nghiệp khác nhau. ở Nhật Bản, những người lao động thường làm việc suốt đời cho một công ty, công sở, họ được xếp hạng theo trình độ tay nghề và bề dày công tác. Chính văn hoá doanh nghiệp kiểu Nhật Bản đã tạo cho doanh nghiệp một không khí làm việc dựa trên cơ sở quan hệ với các thành viên như trong một gia đình, họ gắn bó với nhau chặt chẽ trong quá trình làm việc và sinh hoạt. Lãnh đạo doanh nghiệp luôn quan tâm đến các thành viên về mọi mặt, cả về vật chất và tinh thần, người lao động được tạo điều kiện để học hỏi và đào tạo từ nguồn vốn của doanh nghiệp.
Còn tại Mỹ và các nước phương Tây, do việc quyết định số phận của một doanh nghiệp là các cổ đông. Cổ đông thì luôn yêu cầu nhà quản lý phải nâng cao lợi nhuận của doanh nghiệp thông qua việc nâng cao chỉ số cổ tức. Vì mục đích lợi nhuận được đặt lên hàng đầu nên văn hoá doanh nghiệp được đặt sang hàng thứ yếu, và vì vậy ngày càng xuất hiện nhiều người bị thất nghiệp do không có công việc làm. Đây là mặt trái, nhưng qua đó cũng cho thấy, người lao động dù bất cứ sở lĩnh vực nào cũng phải luôn cố gắng, tự nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề để đảm bảo có công ăn việc làm, đảm bảo cuộc sống cho cá nhân, gia đình.
Do vậy, dù là doanh nghiệp ở đâu, văn hoá doanh nghiệp cũng luôn tồn tại và nó tồn tại chính trong mỗi thành viên của doanh nghiệp. Tuy nhiên văn hoá doanh nghiệp luôn có tính đặc thù riêng, đó là bản sắc dân tộc.
Văn hoá doanh nghiệp trong doanh nghiệp của Việt Nam thời hội nhập
Khi bàn về vận dụng văn hoá doanh nghiệp như thế nào tức là chúng ta phải giải bài toán mối quan hệ của cá nhân với cá nhân, cá nhân với lãnh đạo, cá nhân với doanh nghiệp, doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp nước ngoài… trên nền tảng lợi ích và mục tiêu, quyền lợi và trách nhiệm…
Mối quan hệ cá nhân với cá nhân trong doanh nghiệp đều được coi là nền tảng để hình thành doanh nghiệp mạnh hay yếu, bởi họ luôn bên nhau vì lợi ích và cùng mục tiêu. Vì vậy khi giải quyết bài toán này phải xét lợi ích của các cá nhân trong doanh nghiệp, theo đó phải tính đến mục tiêu của họ tới đâu để nâng đỡ. Mối quan hệ này vừa là động lực để doanh nghiệp phát triển vừa là sự gắn kết các thành viên với nhau.
Mối quan hệ cá nhân với lãnh đạo. Đây là mối quan hệ không phải lúc nào cũng được công khai, bởi cá nhân với lãnh đạo chỉ xảy ra khi có vấn đề từ phía cá nhân hay từ phía lãnh đạo. Xét trong một khía cạnh khác thì đây vẫn là mối quan hệ cá nhân với cá nhân đặc biệt trong doanh nghiệp, vì vậy lãnh đạo phải chủ động tìm hiểu và chia sẻ với từng cá nhân trong doanh nghiệp, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, những chuyện vui, buồn, những khó khăn để giúp đỡ họ. Ngược lại mỗi cá nhân cũng phải coi sự đóng góp xây dựng cho doanh nghiệp thông qua lãnh đạo là trách nhiệm và là quyền lợi của mình.
Lãnh đạo phải chủ động tìm hiểu và chia sẻ với từng cá nhân trong doanh nghiệp, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, những chuyện vui, buồn, khó khăn để giúp đỡ họ.
Mối quan hệ cá nhân với doanh nghiệp, đây là mối quan hệ cái riêng với cái chung, khi đặt vấn đề này thì phải xét trên góc độ tổng thể của cái chung để điều chỉnh. Bởi cái chúng là doanh nghiệp có mục tiêu kinh doanh, chiến lược kinh doanh và phương pháp kinh doanh mang tính ngành nghề, cá nhân phải có trách nhiệm tích cực đóng góp công sức và tài năng để doanh nghiệp thành đạt, ngược lại doanh nghiệp cũng phải có chính sách đãi ngộ thoả đáng để khích lệ người lao động.
Mối quan hệ doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp trong nước. Đây là mối quan hệ được coi là đại diện cho cái chung với cái chung khác có mục đích kinh doanh vì vậy luôn mang tính cạnh tranh. Nếu là cạnh tranh lành mạnh thì cả hai bên đều tốt lên, nếu một trong hai bên có hành vi cạnh tranh không lành mạnh thì sớm muộn sẽ bị phát hiện và lên án.
Mối quan hệ các doanh nghiệp trong nước và các doanh nghiệp nước ngoài trong giai đoạn hội nhập là vô cùng quan trọng, bởi qua đó chúng ta có thể học hỏi, trao đổi và cùng thúc đẩy các hoạt động sản xuất kinh doanh phát triển.
Để có văn hoá doanh nghiệp thời hội nhập theo đúng nghĩa thì trách nhiệm của từng cá nhân và lãnh đạo trong doanh nghiệp phải chủ động tìm hiểu các quy định của luật pháp quốc tế trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh; Tìm hiểu kinh nghiệm ứng xử khi có các sự kiện tranh chấp thương mại; Nghiên cứu, cập nhật thông tin kinh doanh, bám sát thị trường để ra các quyết định hợp lý, nhằm đem lại lợi nhuận ngày một cao.
Giải pháp nâng cao văn hoá doanh nghiệp hiện nay
Một là, đẩy mạnh công cuộc cải cách hành chính để tạo ra sự dân chủ, công khai và cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Hai là, xác lập các tiêu chí để xây dựng khung kiến thức cơ bản cho mọi người, theo đó thường xuyên xem xét lại những điểm mạnh, điểm yếu khi đánh giá về văn hoá doanh nghiệp để tuyên truyền, nhắc nhở mọi người về trách nhiệm và nghĩa vụ của mỗi cá nhân trong cộng đồng và trong mỗi doanh nghiệp.
Ba là, tập trung nâng cao vị trí vai trò của các Hiệp hội doanh nghiệp để qua đó giúp đỡ các doanh nghiệp mới, doanh nghiệp còn yếu, còn trong việc đào tạo nguồn nhân lực, cung cấp thông tin về những vấn đề liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp để không ngừng tạo cơ hội cho doanh nghiệp phát triển.
Bốn là, xây dựng chiến lược đầu tư cho con người để phát huy tài năng và sức sáng tạo lao động của mỗi cá nhân trong doanh nghiệp qua đó nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Năm là, tích cực tuyên truyền, phổ biến các kiến thức pháp luật và kiến thức chuyên ngành cho tất cả mọi thành viên trong doanh nghiệp.
Sáu là, tổ chức các cuộc thi, giao lưu văn hoá và tìm hiểu biết pháp luật giữa các thành viên của các doanh nghiệp.
BemecMedia (Theo Tạp chí kinh tế và dự báo)