Trong công việc, cuộc sống, thông thường người ta chỉ thích nghe những lời nói ngọt ngào, dễ chịu nên khi nhận sự chê bai, trách móc, lớn tiếng, chỉ rõ sai lầm...thì lại bị loại bỏ, gạt phăng khỏi cuộc chơi mà không biết rằng đang để mất đi những nhân tài. Câu chuyện về FPT là một ví dụ, sau khi chửi sếp, một nhân viên bình thường đã trở thành Chủ tịch HĐQT của một công ty con vài nghìn người.
Một “huyền thoại” có thật ở FPT
Ba năm trước, FPT tổ chức một cuộc họp bàn về việc phát triển một dự án phân phối lớn của tập đoàn. Tuy nhiên, trưởng phòng kinh doanh của một công ty phân phối trực thuộc tập đoàn đi vắng nên một nhân viên kinh doanh của phòng được cử đi thay.
Câu chuyện sẽ rất bình thường nếu như nhân viên đi họp thay chỉ ghi chép và về báo cáo với lãnh đạo. Tuy nhiên, trong buổi hôm ấy, sau một hồi nghe các lãnh đạo gồm cả Chủ tịch HĐQT FPT Trương Gia Bình bàn về chiến lược phát triển dự án, người nhân viên này đã lớn tiếng chửi các sếp là “dốt”.

Bị bất ngờ, cả phòng họp im lặng, sau đó ông Trương Gia Bình chấn tĩnh hỏi “Chú nói anh dốt thì chú có làm được không?” tức thì người nhân viên này gật đầu.
Sau đó, dự án đã thành công. Nhiều người cho rằng chính thành công sau vụ “nổi dậy” ấy, cộng thêm tài năng và nhiều tài lẻ đã giúp anh tiến nhanh trên con đường lãnh đạo, và đảm đương nhiều vị trí lãnh đạo khác nhau trong tập đoàn FPT. Anh chính là Hoàng Nam Tiến,Chủ tịch HĐQT FPT Software hiện tại.
Triết lý của các doanh nghiệp nổi tiếng
Qua câu chuyện trên cho thấy yếu tố Tôn trọng cá nhân đã thu hút được những người bậc hiền tài. Trong đó, 3 yếu tố: Nói thẳng, Lắng nghe và Bao dung là chủ trương của FPT “Với FPT, bạn được quyền nói ý kiến của mình, mặc dù ý kiến đấy khác với ý kiến của lãnh đạo, khác với ý kiến chung của tập thể. Và khi bạn nói thẳng bạn vẫn được người khác Lắng nghe. Đây là điều rất quan trọng”. Đó không chỉ là triết lý của tập đoàn danh tiếng FPT mà còn là triết lý sống còn của các doanh nghiệp lớn trên thế giới.
Tổng hợp