Mẹo tránh hàng tồn kho

Kinh tế khó khăn, sức mua giảm, nếu để quá nhiều hàng tồn kho, tiểu thương cũng như doanh nghiệp sẽ phải chịu thiệt thòi lớn, có thể dẫn đến thua lỗ nặng. Dưới đây là những cách thức kinh doanh để tránh hàng tồn kho lớn.

Lấy hàng với số lượng ít, cung cấp theo đơn đặt, bán lưu động với giá hấp dẫn là những cách giúp doanh nghiệp, tiểu thương tránh được tồn kho.

Kinh tế khó khăn, sức mua giảm, dòng tiền eo hẹp, nếu để quá nhiều hàng tồn kho, tiểu thương cũng như doanh nghiệp sẽ phải chịu thiệt thòi lớn, có thể dẫn đến thua lỗ nặng. Dưới đây là những cách thức kinh doanh để tránh hàng tồn kho lớn.

Lấy hàng với số lượng ít

Để tránh hàng bị lỗi mốt hay hết hạn sử dụng, người bán không nên lấy với số lượng quá nhiều. “Bán đến đâu lấy đến đó” là phương pháp làm hài lòng người mua với những kiểu dáng mới, hấp dẫn. Bên cạnh đó, sản phẩm lại đảm bảo chất lượng.

Chị Hoàng, chủ cửa hàng quần áo trên đường Nguyễn Trãi (quận 5) cho biết, hàng của chị luôn mới, bởi lẽ mỗi một mẫu chị chỉ lấy từ 3-4 cái nên không sợ lỗi mốt, một tuần chị lấy hàng mới một lần. “Đây cũng là cách để hút khách hàng, hơn nữa đối với những mẫu đẹp khách hàng có tâm lý sợ hết nên họ rất phóng khoáng cho món đồ họ thích. Vì hiểu tâm lý đó nên tôi lấy với số lượng vừa đủ để tránh tồn kho”, chị Hoàng nói.

Cung cấp theo đơn đặt hàng

Đối với một số sản phẩm phải nhập từ nước ngoài, chi phí thuế cũng như giá cả đa phần cao hơn trong nước. Để tránh tồn kho, anh Nam, chủ một trang quần áo bán hàng qua mạng luôn lấy mỗi thứ một mẫu, sau đó cho khách hàng lựa chọn và đặt hàng. Tùy theo số lượng khách đặt, anh sẽ đăng ký đơn đặt hàng phù hợp.

Tuy nhiên, để làm tốt điều này và đảm bảo thời gian giao hàng đúng hạn. Bên bán và bên cung cấp sản phẩm cần phải tin tưởng và hợp tác thân thiện với nhau, khâu vận chuyển hàng hóa giữa 2 bên cần phải đảm bảo diễn ra thông suốt và đúng lúc.

Cung cấp sản phẩm theo đơn đặt hàng là cách giúp người kinh doanh tránh được tồn kho. Ảnh: CT.

Bán hàng lưu động với giá hấp dẫn

Những hàng hóa tiêu dùng nhanh, hạn sử dụng được quy định trong vòng vài chục ngày hoặc vài tháng, nên khi công suất sản xuất sản phẩm tăng cao nhưng sức mua giảm thì việc tổ chức các xe bán hàng lưu động với giá hấp dẫn là biện pháp hữu hiệu nhất. Hình thức bán hàng này khá phổ biến ở các quận, huyện ngoại thành, hoặc tập trung ở các khu công nghiệp.

Một doanh nghiệp cung cấp trứng ở TP HCM cũng hay áp dụng cách này. Nhờ đó, lượng hàng tiêu thụ tăng cao hơn, sức mua được cải thiện. Người tiêu dùng cũng có được sản phẩm với giá cả phải chăng.

Ký gửi ở đại lý với chính sách hấp dẫn

Phương pháp này áp dụng rất tốt cho các công ty tiêu dùng. Để hàng được quảng bá rộng rãi, nhà sản xuất cần biết cách làm quen với các đại lý phân phối để ký gửi sản phẩm của mình. Đồng thời, ngoài việc đưa ra chính sách hấp dẫn cho đơn vị phân phối sản phẩm, nên có những ưu đãi trực tiếp cho người tiêu dùng dù mức đó khá khiêm tốn.

Khi sản phẩm đã lên kệ của đại lý phân phối và được bán với giá hấp dẫn, sản phẩm dễ dàng được người tiêu dùng đón nhận hơn. Ngoài ra, cần có một khoản thưởng nhỏ cho đại lý nếu họ giúp công ty tiêu thụ hàng nhanh.

Nhưng theo Nhân, một nhân viên kinh doanh hàng gia dụng cho doanh nghiệp ở quận 6, TP HCM, chính sách là một chuyện, bên cạnh đó người cung ứng hàng phải tạo mối quan hệ thân thiết, tin cậy, đôi khi giống như người nhà với các đại lý. "Chỉ có như vậy thì hàng của mình mới trụ vững trước sự chào mời hấp dẫn hơn của các doanh nghiệp đến sau với chủ đại lý", Nhân nói.

Mở rộng thị trường

Tìm hiểu tốt về thị trường cũng là cách để sản phẩm được nhiều người biết đến và tránh được lượng hàng tồn kho. Thay vì chỉ bán sản phẩm ở một vùng miền, doanh nghiệp, đơn vị sản xuất cần nhân rộng và đưa sản phẩm đi tiêu thụ thêm ở những vùng đất mới hoặc tìm đối tác nước ngoài để xuất khẩu. Giải pháp này đã và đang được áp dụng rộng rãi trong các công ty về hàng tiêu dùng, lương thực thực phẩm, thủy hải sản.

Giám đốc một công ty hàng tiêu dùng cho biết, thị trường thành phố của công ty khá ổn định, nhưng anh luôn giữ thói quen ít nhất một lần trong tháng tự mình đi ra các tỉnh, đến cả các xã, huyện vùng sâu để tìm hiểu nhu cầu tiêu dùng của người dân. Ngay như khi Myanmar vừa mở cửa, trong khi các doanh nghiệp còn đang lưỡng lự, dò hỏi thị trường, thì anh đã tự khoác ba lô đến đây như một khách du lịch bình thường. Kết quả là sản phẩm của công ty anh giờ đã khá quen thuộc với người tiêu dùng Myanmar.

BemecMedia (Theo vnepress)