Một doanh nghiệp thành công trong kinh doanh đồng nghĩa với doanh nhân lãnh đạo doanh nghiệp đó đã thành đạt trong sự nghiệp. Những yếu tố giúp tạo nên thành công đó không chỉ nằm ở những phương thức hoạt động kinh doanh, mà nó còn phụ thuộc cả vào kinh nghiệm quản lý của doanh nhân đó. Kinh nghiệm thành công của những người thành đạt có điểm giống và khác nhau. Và, giữ uy tín để thu phục lòng người, sử dụng nghệ thuật dùng người, biết rèn luyện bản thân và có niềm tin vào bản thân và người khác chính là những kinh nghiệm quý báu giúp nhiều doanh nhân đạt được thành công trong công việc.
Doanh nhân thành đạt từ: Giữ uy tín để thu phục lòng người
Duy trì và nâng cao uy tín kinh doanh, làm đẹp hình ảnh trong mắt khách hàng cũng như đối tác kinh doanh luôn là mục tiêu hàng đầu của bất cứ doanh nghiệp nào.
Đã là doanh nhân là phải có niềm đam mê và thể hiện trách nhiệm cao, nhất là đối với những đơn vị sản xuất phải có sự chuẩn bị khá kỹ, tìm được mặt bằng tốt thôi là chưa đủ mà còn cần thêm một đội ngũ nhân viên tay nghề thuần thục, làm việc với tinh thần trách nhiệm cao. Chính điều này góp phần tạo nên chữ tín của doanh nghiệp và thu được lòng tin của khách hàng cũng như đối tác.
Theo chị Lê Thanh Nguyên, Giám đốc Công ty Cophaco thì; “Đã bước vào hội nhập thì chữ tín càng đặt nặng trong kinh doanh, chữ tín thể hiện ở giá cả, tiêu chuẩn kỹ thuật, phương thức thanh toán và thời hạn giao hàng”.
Còn chị Đỗ Thị Kim Liên, Tổng giám đốc Công ty bảo hiểm AAA chia sẻ bí quyết giữ chữ tín trong thành công của mình như sau: “Trong kinh doanh, tôi luôn tâm niệm 3 tiêu chí: thứ nhất là đem đến an tâm cho khách hàng của mình, thứ hai là đem đến an tâm cho các cổ đông và thứ ba là đem đến an tâm cho các nhân viên để họ phát huy được hết trình độ và năng lực của mình.
Đã là doanh nhân là phải có niềm đam mê và thể hiện trách nhiệm cao.
Doanh nhân thành đạt dựa trên: Kinh nghiệm dùng đúng người
Một trong những điều quan trọng nhất để đạt được thành công đối với một người làm công tác quản lý và lãnh đạo là nghệ thuật sử dụng con người. Bởi có con người thì mới làm nên việc và một doanh nghiệp muốn phát triển phải có được những con người có hoài bão lớn.
Đánh giá đúng năng lực của từng cá nhân, đặt họ vào đúng vị trí là một thách thức đối với người lãnh đạo. Muốn làm được như vậy thì phải hiểu nhân viên và biết được liệu họ có phù hợp với những định hướng phát triển của công ty hay không.
PepsiCo nổi tiếng là công ty săn lùng chất xám. Khi được hỏi về thuật dùng người, anh Phạm Phú Ngọc Trai, Tổng giám đốc công ty đã cho biết quan điểm của mình như sau: “… yếu tố đầu tiên tôi chọn phải là trẻ, có chuyên môn, có điều kiện phát triển lâu dài, tôi coi trọng yếu tố thích ứng văn hóa truyền thống. Trẻ đồng nghĩa với đam mê, khát khao chiến thắng, một số anh em có chuyên môn cao, tiếng Anh tốt, hội nhập nhanh với các văn hóa khác nhau… nhưng lại thực tế quá, đi tới thực dụng. Không có nền tảng văn hóa tốt, họ sẵn sàng rời bỏ công ty sang nơi khác nếu được trả lương cao hơn. Thành công của họ mang tính nhất thời, không thể phát triển lâu dài được. Khi thu nhận người, tôi luôn dựa vào yếu tố này để định hướng một đường đi lâu dài cho từng người”.
Doanh nhân thành đạt bởi: Biết rèn luyện bản thân
Cùng với thời gian, qua những năm tháng hoạt động doanh nghiệp, những người làm kinh doanh đã có thời gian thử thách, đó cũng chính là thời gian để học tập và khẳng định mình, trau dồi sự tự tin, kiến thức và cách giao tiếp của mình.
Tất cả các doanh nhân thành đạt đều phải rèn luyện sự tự tin. Để đạt được điều đó, thì ngoài sự rút kinh nghiệm của bản thân, rút kinh nghiệm từ những lần giao tiếp – mỗi một lần là có thể đúc rút được kinh nghiệm để những lần sau tốt hơn, hoàn thiện hơn.
Khi được hỏi có bao giờ khóc vì thất bại trong làm ăn, chị Nguyễn Thị Nghĩa (Chín Ngân) – Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc SaiGon Co.op đã chia sẻ: “Cuộc đời tôi đầy thử thách, nhưng tôi luôn cảm ơn nó vì nó đã giúp tôi kiên trì, chắc chắn, vững vàng hơn. Chẳng có ai sinh ra đã có bản lĩnh, ý chí, nghị lực cao. Tất cả nhờ trải nghiệm mà thành. Tôi luôn nhắc nhở nhân viên của mình: Không bao giờ bằng lòng với hiện tại, hôm nay phải khác hôm qua, và khác cả ngày mai,…”.
Tất cả các doanh nhân thành đạt đều phải rèn luyện sự tự tin.
Doanh nhân thành đạt nhờ niềm tin: Tin mình nên tin người
Trong kinh doanh phải có niềm tin, tin vào chính bản thân và tin vào người khác. Không ít doanh nhân đã thành đạt trong sự nghiệp của mình từ chỗ biết đặt niềm tin của mình đúng nơi đúng chỗ.
Tin vào mình tức là tin vào khả năng và năng lực của bản thân, của doanh nghiệp, vào giá trị sản phẩm cũng như tin vào dịch vụ mà doanh nghiệp cung cấp. Còn tin người là có niềm tin vào con người. Để có sự tự tin vào bản thân, cái quan trọng là phải trả lời được ba câu hỏi: mình là ai? Mình làm gì? Và mình đang ở đâu? Sự tự tin giúp người kinh doanh hiểu được cái mạnh cái yếu của đối tác ra sao và xây dựng được niềm tin vào đối tác, tin rằng đó là đối tác có thể kết hợp làm ăn và phát triển,… Khi có được sự tự tin ấy, kết quả sẽ dễ đạt được như mong muốn.
Tin mình nên tin người cũng chính là điểm nổi bật của anh Trần Phương Bình, Tổng giám đốc ngân hàng Đông Á. Anh Bình chia sẻ: Đông Á không từ nan những khách hàng đang trong thời kì nguy khốn, ba trường hợp điển hình là Liksin, Cofidex và Nam Á. Liksin không còn vốn lưu động, Đông Á chỉ cho vay 500 triệu đồng đã cứu lấy một công ty bao bì loại nhất nhì nước ta. Sau khi nghiên cứu kĩ và đánh giá đúng tiềm lực của Cofidex, Đông Á cho vay 400 triệu đồng với cam kết giám đốc không được quyền tự do chi tiền, rút tiền. Nhờ đó mà Cofidex trở thành con chim đầu đàn trong ngành xuất khẩu thủy sản của thành phố. Còn khi suýt bị kiện ra tòa vì cho Công ty giày dép xuất khẩu Nam Á vay tiền trả nợ. Anh Bình quả quyết nếu Nam Á không trả được hết nợ thì anh sẽ bán nhà trả nợ thay vì anh tin vào khả năng “phục hồi” của công ty. Và bây giờ khi đã hoạt động lành mạnh trở lại, các doanh nghiệp một thời thua lỗ vẫn là khách hàng thân thiết của Đông Á.
Bemecmedia.vn st.