Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam đã có cuộc toạ đàm về những kinh nghiệm để thành công trên thương trường với các bạn trẻ có khát vọng lập nghiệp. Mời các quý bạn đọc theo dõi
PV: Hội Doanh nghiệp trẻ tổ chức họp mặt những thanh niên khởi sự doanh nghiệp thành công, với cương vị là Phó Chủ tịch Hội DNT, Chủ tịch Hội DNT TP. Hà Nội xin anh cho biết những điểm chung nhất để khởi nghiệp thành công của các hội viên?
Anh Bùi Văn Quân:
Theo tôi, hội viên Hội Doanh nhân trẻ khởi sự doanh nghiệp thành công đều có 4 yếu tố nổi bật:
Thứ nhất: Để khởi nghiệp thành công điều quan trọng nhất chính là sự đam mê, đam mê chính là mình, công việc mình làm.
Thứ hai: Sau đam mê đó là mình phải có kiến thức, tức là mình phải học hỏi tất cả kiến thức chuyên môn cái mình định làm.
Thứ 3: Và quan trọng uy tín, uy tín ở đây không phải là kinh doanh mới cần uy tín mà ngay cả lúc chưa khởi nghiệp là mình phải tạo được uy tính. Ví dụ: Uy tín với gia đình, bạn bè, với tất cả những người xung quanh.
Thứ 4: Câu chuyện khởi nghiệp là một chặng đường rất dài, nhiều vấn đề biến động. Tuy nhiên, trước bất cứ biến động, khó khăn nào cũng cần phải bình tĩnh, càng khó khăn càng phải làm nên.
PV: Những yếu tố trên liệu có đủ để một thanh niên khởi sự doanh nghiệp trở thành một doanh nhân trẻ thành đạt, thưa anh?
Anh Bùi Văn Quân:
Trên đây là bốn yếu tố mà bất cứ thanh niên nào muốn khởi nghiệp và lập nghiệp thành công cần phải có. Tuy nhiên, không phải có được 4 yếu tố trên là chắc chắn thành công. Trời sinh ra con người với nhiều tính cách khác nhau, mỗi người đều phải biết khả năng, sở trường của mình. Nếu như con người sinh ra có sẵn phong cách người kinh doanh, đam mê với công việc đó; sẵn sàng đối mặt với sự căng thẳng, phức tạp thì nên khởi sự doanh nghiệp để làm “ông chủ”. Nếu người có quan điểm hạnh phúc, cuộc sống như là cái gì đó ổn định, có khi mình lại đi làm nhân viên! Tóm lại, mình phải biết khả năng mình có cái gì và khả năng đáp ứng được bao nhiêu.
PV: Khởi sự doanh nghiệp và lập nghiệp là một câu chuyện “dài tập”, nhiều thanh niên nhận thức vấn đề này đôi lúc còn “non”, nên bắt tay khởi nghiệp thường gặp thất bại. Anh có lời khuyên gì đối với các bạn trẻ chuẩn khởi nghiệp?
Anh Bùi Văn Quân: Quay trở lại câu chuyện lúc trước, làm gì anh cũng phải có khát vọng và đam mê. Khi tôi là một thanh niên 18 tuổi vừa học xong, điếu đầu tiên tôi thích làm kinh doanh, kiếm tiền, làm giàu cho chính bản thân mình, làm giàu cho xã hội và tôi đã nuôi dưỡng những khát vọng đó và thực hiện bằng được. Tôi chỉ muốn nói với các bạn thanh niên chuẩn bị khởi sự doanh nghiệp rằng: Khi lớn lên mỗi người thích một nghề, người thích làm bác sĩ, người thích làm giáo sư, nhưng khi bắt tay thực hiện thì vẫn phải có niềm đam mê.
Cụ thể sức mình làm được gì? Nếu khả năng của mình làm được việc nhỏ thì bắt đầu từ cái nhỏ. Ngay cả đi làm thuê, nhưng mình cũng phải xem cách họ làm như thế nào? Mô hình của họ ra sao? Tại sao họ làm chủ được mà mình đang phải làm thuê? Từ cách tìm hiểu đó, bản thân mình đúc kết những kinh nghiệm, kiến thức kinh doanh và kiểm xem mình phù hợp với cái gì để bắt đầu khởi sự doanh nghiệp. Đơn cử như bạn bè của mình đang làm buôn bán, thì mình thấy buôn bán phù hợp thì cũng có thể mở cửa hàng kinh doanh, buôn bán. Hay như 1 làng nghề dệt, nhiều hộ gia đình mở xưởng dệt gia công, thì mình cũng mở 1 cái xưởng để gia công phù hợp năng lực và kiến thức mình có. Mỗi người đều có giai đoạn xuất phát khác nhau, quan trọng là bản thân phải chọn việc gì, ngành nghề gì phù hợp với mình nhất thì sẽ phát huy được cái đó.
PV: Hội DNT Hà Nội thì đang sử dụng rất nhiều lao động là thanh niên,nhưng sự chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp vẫn còn khiêm tốn. Doanh nhân và thanh niên gần nhau hơn theo anh cần phải làm thế nào?
Anh Bùi Văn Quân:
Thực tế thì vấn đề có hơi mâu thuẫn 1 chút. Về mặt nguyên tắc chung, khi anh đang là chủ doanh nghiệp, quản lý nhân viên thì tập trung tối đa cho công việc đó thôi. Riêng cá nhân tôi, tôi rất mong muốn cán bộ, nhân viên của mình phát triển, mở được công ty riêng. Tôi rất ủng hộ điều đó và thực tế có nhiều nhân viên của tôi cũng đã mở được công ty riêng và làm lãnh đạo. Trong quá trình làm việc, ngoài trao đổi về chuyên môn nghiệp vụ, tôi còn trao đổi với anh em trong công ty về tư tưởng, kiến thức cuộc sống, kinh doanh, với nhau, nhất là những buổi hội họp, giao lưu…Bản thân tôi nhiều lúc cũng rất muốn ngồi với cán bộ, nhân viên để chia sẻ kinh nghiệm. Tôi cũng thường nói bây giờ chính các bạn bứt phá kinh doanh thì các bạn sẽ mạnh hơn, nhưng các bạn cũng phải xem khả năng của mình tới đâu... Tôi sẵn sàng để nói chuyện đó và chia sẻ kinh nghiệm với anh em. Nếu anh em cần gì, tôi sẵn sàng hỗ trợ giúp đỡ trong phạm vi có thể.
PV: Còn đối với các hội viên khác, liệu họ có sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với thanh niên, thưa anh?
Anh Bùi Văn Quân:
Thực ra những doanh nghiệp mới phát triển có thể ít có ý thức chia sẻ kinh nghiệm bởi họ còn gặp khó khăn, còn những doanh ngiệp đã phát triển ở mức nào đó, một tầm nào đó, hầu như đều thoải mái trong việc chia sẻ kinh nghiệm với người khác như một cách khẳng định mình. Khi đã phát triển đến mức lo được cả tương lai xa cho con cháu sau này, họ có nhu cầu muốn khẳng định vị thế của mình, sự đóng góp của mình, sẵn sàng chia sẻ những kinh nghiệm của mình với cán bộ, nhân viên. Trong lòng người ta cũng mong cán bộ nhân viên của mình có những điều kiện để phát triển.
Lúc này, chính các bạn có nhu cầu học hỏi phải chủ động tiếp cận cơ hội. Nói thật, những người quản lý doanh nghiệp nói chung không bao giờ họ đi đặt chiến lược làm thế nào để giảng dạy cho nhân viên mình bứt phá ra kinh doanh riêng. Đây là công việc của những nhà giảng dạy chuyên môn trong trường, trong lớp. Nhưng ngược lại, người ta cũng không hẹp hòi gì việc đó cả, vấn đề chính là do cách tiếp cận vấn đề để học hỏi của các bạn. Ví dụ, hôm nay trong công việc bạn có thể có ý A, ngày mai trong một buổi gặp khác bạn có thể trình bày ý B; hay là trong hội thảo, thảo luận các bạn phải chủ động tiếp cận, trình bày khi các bạn mong muốn, như thế bạn sẽ nhận được rất nhiều sự chia sẻ kinh nghiệm từ các nhà quản lý thông qua những ý kiến của họ. Tôi có thể khẳng định là đa phần là các doanh nghiệp đã thành công rồi đều sẵn lòng chia sẽ khi các bạn có mong muốn.
PV: Trong thời gian tới Hội Doanh nhân trẻ TP Hà Nội có những chương trình gì để giúp đỡ cho thanh niên khởi sự doanh nghiệp?
Anh Bùi Văn Quân:
Hiện tại nhu cầu khởi nghiệp, lập nghiệp của thanh niên rất lớn. Hiện tại, Hội DNT trẻ TP Hà Nội đang dự kiến xây dựng “Vườn ươm Doanh nhân trẻ” với mục đích giúp đỡ các em vừa tốt nghiệp có nhu cầu về kinh doanh đến doanh nghiệp của các hội viên Sau khi học hỏi kinh nghiệm, các em có nhu cầu khởi sự doanh nghiệp, chúng tôi sẵn sàng giúp đỡ để các em trưởng thành và hỗ trợ các em về nhiều mặt khác.
Bemecmedia.vn (Theo Doanhnghieptre)