Chia sẻ kinh nghiệm vượt qua thách thức của các nữ doanh nhân

Nhân kỷ niệm 3 năm Ngày doanh nhân Việt Nam, sáng ngày 10/10, Nhà văn hóa Phụ nữ tổ chức buổi Tọa đàm “Những thử thách của Doanh nhân Việt Nam khi tiến vào hội nhập”. Đây là dịp để những nữ doanh nhân chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm với nhau, đồng thời tạo điều kiện giúp cho công chúng trẻ có những bài học thực tế trong kinh doanh.

Nhân kỷ niệm 3 năm Ngày doanh nhân Việt Nam, sáng ngày 10/10, Nhà văn hóa Phụ nữ tổ chức buổi Tọa đàm “Những thử thách của Doanh nhân Việt Nam khi tiến vào hội nhập”. Đây là dịp để những nữ doanh nhân chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm với nhau, đồng thời tạo điều kiện giúp cho công chúng trẻ có những bài học thực tế trong kinh doanh.

Phải trằn trọc suy nghĩ cả đêm

Đối với các chị, có được thành công như ngày hôm nay không phải là chuyện dễ dàng, “phải trằn trọc suy nghĩ cả đêm” như chị Đào Thu Hồng – Giám đốc Công ty Mật Ong để tìm ra cách bán thật nhiều hàng trong một đợt tham gia hội chợ triển lãm. Chị Thu Hồng nói: “Tôi thấy những gian hàng khác sao mà hoành tráng, rực rỡ thế, trong khi nhìn lại gian hàng mình thấy ngậm ngùi…”. Vậy mà chị đã nghĩ cách làm liều, đánh vài vòng “tiếp thị” quanh các gian hàng với trang phục Á Đông để gây sự chú ý từ phía khách tham quan. Thật may cho chị, không những bán hết số hàng có sẵn mà còn nhận được khá nhiều đơn đặt hàng, đến nỗi công ty chị cứ sợ thiếu hàng để giao cho đối tác. Chị từ tốn: “Nói ra điều này không phải để khoe với các bạn trẻ mà tôi kể để các bạn thấy rằng, để thành công trong kinh doanh không phải là đơn giản, đôi khi chính cả sếp và lính cùng thức thâu đêm để làm hàng cho kịp”.

Đam mê và trách nhiệm

Đã là doanh nhân phải có niềm đam mê và thể hiện trách nhiệm cao, nhất là đối với những đơn vị sản xuất phải có sự chuẩn bị khá kỹ, tìm được mặt bằng tốt là chưa đủ mà cần thêm một đội ngũ nhân viên tay nghề thuần thục, làm việc với tinh thần trách nhiệm cao. Bởi chị Lê Thanh Nguyên – Giám đốc Công ty Cophaco cho rằng: “Đã bước vào hội nhập thì chữ tín càng đặt nặng trong kinh doanh, chữ tín thể hiện ở giá cả, tiêu chuẩn kỹ thuật, phương thức thanh toán và thời hạn giao hàng”. Xưa nay, theo cách kinh doanh truyền thống thường xảy ra tình trạng tranh mua tranh bán, có những đơn vị đã rơi vào trường hợp dỡ khóc dỡ cười, đến thời hạn giao hàng mà hàng hóa không đủ để giao.

Đã là doanh nhân phải có niềm đam mê và thể hiện trách nhiệm cao.

Bước vào hội nhập mà cứ đà này thì không tồn tại được, chị Nguyễn Thị Tranh – Phó Tổng giám đốc Liên hiệp các Hợp tác xã Saigon Co.op nói: “Chúng ta có nhiều cơ hội nhưng không ít khó khăn, thách thức. Chúng ta phải cạnh tranh với toàn cầu, với dân số 6 tỷ người”. Bản thân Saigon Co.op cũng phải có sự chuẩn bị, tập trung tái cấu trúc kinh doanh, thành lập Công ty CP Đầu tư Saigon Co.op để huy động nguồn vốn, phát triển thêm chuỗi siêu thị từ 17 siêu thị năm 2006 lên 24 siêu thị (tính đến tháng 9/2007), đưa doanh thu lên 3.000 tỷ đồng, tăng 45% so với cùng kỳ.

Những việc các chị đã làm, đã cống hiến cho gia đình và xã hội có nói hoài nói mãi cũng chưa cạn, chúng ta nên dành cho các chị những lời động viên để các chị hoàn thành xuất sắc trách nhiệm của một người phụ nữ “giỏi việc nước đảm việc nhà”. Tuy, cũng có đôi khi các chị có chùn chân vì trách nhiệm chồng – con, nhưng với lòng nhiệt huyết không những trong kinh doanh mà cả công tác xã hội. “Tôi cứ đi mang niềm vui đến cho những người nghèo, những mảnh đời bất hạnh để thấy lòng mình thanh thản khi đêm về. Dẫu rằng, bù lại tôi phải thức khuya để làm việc tôi vẫn thấy vui”. Chị Thanh Nguyên tâm sự.

Mong sao những chia sẻ của chị Bùi Thị Ngọc Mỹ - Giám đốc Công ty Mỹ thuật Xây dựng Dịch vụ Thanh Sơn khi dành cho các chị một khung cảnh ấm cúng, sâu lắng, để các chị được thư giãn với hương thơm Trà Đạo vào những ngày cuối tuần.

Kinh nghiệm cân bằng công việc và cuộc sống

Trên vai người phụ nữ luôn mang một gánh nặng, mà một đầu là công việc, một đầu là thiên chức người phụ nữ - vì gia đình. Và trong đời sống hàng ngày, không khỏi có những lúc gánh nặng đó không được cân bằng, mà đối với các nữ doanh nhân, nó sẽ nghiêng hẳn về phía công việc. Lúc ấy, để giữ được thăng bằng là một điều rất khó. Nhưng, chúng ta hãy cùng nghe “người trong cuộc” chia sẻ nhé!

Chị Vũ Thị Thoa – GĐ Cty Xa lộ 4:

Tôi cũng xin chia sẻ kinh nghiệm này, bởi việc cân bằng giữa công việc và cuộc sống rất là quan trọng. Tuy nhiên cũng phải nói rằng, công việc không chờ mình, đối tác không chờ mình, vì thế đôi khi sự mất cân bằng có thể xẩy ra đối với tôi. Vậy nên chồng và các con cũng phải rất thông cảm. Các con thì phải thương mẹ, còn bố thì không cần thương mẹ, chỉ cần yêu mẹ thôi. Đó chính là điều giúp tôi có thể cân bằng trong công việc. Có những bữa tối mẹ công về ăn tối, mấy bố con gọi bánh pizza về ăn, vì chắc là bố nấu không ngon. Chính vì thế mà tôi luôn cố gắng để về ăn tối. Tôi thấy bữa tối rất quan trọng, như là lúc để mình nạp năng lượng và như 1 sự thư giãn

Với doanh nhân việc cân bằng giữa công việc và cuộc sống rất là quan trọng.

Chị Phạm Thị Loan – TGĐ Tập đoàn Việt Á:

Tôi thấy phụ nữ Việt Nam của chúng ta luôn xếp gia đình đầu tiên rồi đến xã hội. Đối với 1 doanh nhân, việc cân bằng giữa cuộc sống và gia đình là rất khó khăn. Vì đã là 1 doanh nhân thì phải lo công việc, đối ngoại, trách nhiệm xã hội, phải lo toan rất nhiều vấn đề của doanh nghiệp. Tôi thì xác định được tầm quan trọng cũng như giá trị của mỗi 1 lĩnh vực. Đối với gia đình tôi xác định gia đình là nền tảng, là căn cứ địa, là chỗ dựa quan trọng đối với mỗi 1 con người. Do vậy, phải xây dựng gia đình hạnh phúc trở thành hậu phương vững chắc cho ta. Muốn như vậy thì ta phải làm thế nào đấy để cân bằng được cuộc sống, tổ chức được cuộc sống gia đình thật tốt, tổ chức được hoạt động của công ty cũng thật là tốt.

Với tôi, cũng có lúc bị mất cân bằng. Chẳng hạn như 30 Tết, tôi phải lo cho cán bộ công nhân viên… nên vẫn chưa mua sắm được cho gia đình. Chồng tôi rất giận và đã có lần giẫn dỗi bỏ đi. Thực sự tôi rất là buồn vì mình phải lo toan công việc rất nặng nề. Nhưng lúc ấy, tôi cũng chỉ nói 1 câu nhẹ nhàng thôi – “anh ơi, đón giao thừa một mình ở nhà thì buồn lắm”, và 15 phút sau anh lại quay về. Sau đó tôi phải chia sẻ và tâm sự rồi dần dần cũng đưa anh vào cuộc (công việc) để anh hiểu công việc cũng như trọng trách đối với xã hội, và trách nhiệm đến cùng đối với mọi người. Và sau đó thì không còn chuyện anh bỏ đi xẩy ra nữa, anh rất thông cảm và giúp đỡ. Quan trọng trong cuộc sống là phải chia sẻ để người khác hiểu.

Còn lời khuyên của người với 40 năm hết mình vì công việc thì sao?

Hãy cùng đến với lời chia sẻ của người phụ nữ bé nhỏ mà quyết đoán – Bà Phạm Chi Lan: Tôi xin chia sẻ với những điều các chị vừa nói. Trải qua hơn 40 năm làm việc thì tôi vô cùng thấm thía 1 điều là mỗi phụ nữ chúng ta đều có 1 cái gánh rất nặng trên vai – 1 bên là công việc, 1 bên là gia đình. Thực ra đó không chỉ là gánh nặng riêng với nữ doanh nhân. Đối với phụ nữ nói chung, đã đi làm việc là phải có trách nhiệm với công việc. Và muốn công việc thành công, muốn bắt kịp với đồng nghiệp nam giới thì phải cố gắng rất nhiều, đầu tư rất nhiều cho công việc.

Tôi thấy phụ nữ Việt Nam ai cũng vậy, không ai như phụ nữ ở một số nước phương Tây là không bao giờ từ bỏ gia đình hoặc đặt gia đình ở vị trí thấp nhất để tập trung cho công việc, cho sự thành đạt của riêng mình, đó là điểm đáng quí.

Tuy nhiên, sự mất cân bằng cục bộ luôn luôn có thể xẩy ra. Điều quan trọng là phải tìm ra được thời điểm mất cân bằng để giải quyết sự cục bộ đó. Đôi khi công việc khó khăn, vất vả quá, đòi hỏi phải hy sinh bớt công việc gia đình để tập trung vào công việc. Và quan trọng là phải khắc phục sớm được tình trạng cục bộ đó và không để nó xẩy ra quá thường xuyên.

Theo kinh nghiệm của tôi, thì phải tìm ra được chỗ dựa quan trọng cho bản thân mình. Thứ nhất là gia đình – chính gia đình chứ không phải ai khác luôn luôn là chỗ dựa cho mình ngay cả trong công việc. Gia đình luôn là nơi có tình thương lớn nhất dành cho mình, sự vị tha, bao dung lớn nhất dành cho mình; thứ hai là đồng nghiệp – đồng nghiệp với nhau thì bao giờ cũng phải có 1 tập thể, 1 cộng đồng để làm việc; thứ ba là bạn bè - bạn bè không bao giờ có thể thiếu được trong cuộc sống của mình. Khi có 3 chỗ dựa như vậy, chúng ta có thể sẵn sàng tự tin đi ra biển lớn.

Tôi rất đồng cảm với chị em về những vất vả khó khăn trong công việc. Thực ra cái mất của chị em cũng ở nhiều khía cạnh lắm. Chẳng hạn, nếu mình có nhiều thời gian hơn thì có thể mình sẽ được tham gia vui chơi, thoả mãn những sở thích của mình, như nghe nhạc, đọc sách, du lịch… Nhiều khi chị em mình phải nhường nhịn cái đó để có nhiều thời gian cho công việc; Rồi chuyện con cái cũng vậy, đôi khi người mẹ sẵn sàng mất 1 số thứ để lo cho con học hành thi cử…Thì đó là những điều có thể mất. Nhưng quan trọng là làm sao để không bị mất quá nhiều, mà quan trọng không bao giờ được để mất, đó là gia đình.

Người phụ nữ phải tự tin ở chính mình, phải tin rằng những cái mình đã mất thì sau này mình có thể mình sẽ lấy lại được. Phụ nữ không bao giờ được mất niềm tin ở chính mình, ở cuộc sống và ở những người xung quanh mình. Lúc nào cũng phải tin là mình không cô đơn, dù làm doanh nhân đôi khi rất cô đơn. Nhưng phải luôn tin rằng bên cạnh mình, xung quanh mình luôn có người sẵn sàng hỗ trợ mình, chìa tay ra cho mình.

Nếu như có niềm tin như vậy, tôi tin rằng cái cảm giác mất mát sẽ giảm đi rất nhiều.

Bemecmedia.vn st.