Theo Giám đốc 7x chia sẻ việc áp dụng những quy tắc của đàn sói như đoàn kết, chiến thuật tinh ranh… rất có lợi trên thương trường.
Tham gia kinh doanh ngành đồ uống hơn chục năm, gặt hái nhiều thành công song cũng không ít thất bại, anh Mạnh rút ra cho mình những kinh nghiệm quý giá để vạch ra những chiến lược mới cho công ty của mình.
- Trong bối cảnh bùng nổ các công ty cạnh tranh trong cùng lĩnh vực, theo anh, để tồn tại và phát triển mạnh mẽ, doanh nghiệp cần nhất điều gì?
Tôi nghĩ doanh nghiệp có sống tốt hay không, phụ thuộc nhiều vào người lãnh đạo, giống "sói đầu đàn". Thiên nhiên và điều kiện sống khắc nghiệt đã tôi luyện loài sói trở thành những kẻ đi săn gan lì và dẻo dai bậc nhất trong thế giới các loài hoang dã.
Để làm được điều đó, vai trò của sói đầu đàn rất quan trọng. Người thủ lĩnh phải sự tự tin vào khả năng thành công và bản lĩnh trong việc ra quyết định hành động. Người làm kinh doanh luôn phải suy nghĩ để có được sản phẩm, dịch vụ đạt chất lượng cao nhất. Phải nhìn thấy thách thức để bước tới. Nguy cơ đào thải và tụt hậu cũng rất cao đối với những doanh nghiệp kinh doanh theo tư duy cũ.
Anh Nguyễn Đình Mạnh, Giám đốc công ty Cổ phần Giải pháp thị trường mới (NMS jsc) lãnh đạo theo triết lý "sói đầu đàn".
- Vậy anh đánh giá người lãnh đạo cần phẩm chất nào nhất?
Giống như sói đầu đàn, thủ lĩnh phải có khả năng ra lệnh, khi nào thì hành động và khi nào thì nằm yên bất động chờ "thời cơ vàng". Để dẫn dắt một đội quân dũng mãnh, phải mang trong mình trọng trách đánh giá cuộc săn hoặc là thành công hoặc thất bại. Tôi luôn tâm niệm câu nói của Hugh MacLeod - một nghệ sĩ hoạt họa người Mỹ: "Cái giá cho việc trở thành con cừu là sự nhàm chán còn cái giá phải trả cho việc trở thành con sói là sự cô đơn. Dù đi theo con đường nào, là cừu non hay chó sói, bạn đều phải cân nhắc thật kỹ".
- Làm sao để doanh nghiệp biết mình đang xây dựng thương hiệu một cách đúng đắn?
Thực ra nếu doanh nghiệp còn quan niệm thương hiệu là trừu tượng thì chắc chắn là họ đang có vấn đề.
Tương tự, những người làm marketing, thương hiệu, quản lý doanh nghiệp, những CMO còn quan niệm làm marketing, làm thương hiệu là trừu tượng thì họ sẽ không giải quyết được vấn đề. Đơn giản bởi chẳng có gì trừu tượng cả. Tất cả đều có những tiêu chí rõ ràng.
Các bạn phải định lượng, đo lường được hiện trạng sức khỏe thương hiệu đang có vấn đề gì, thành công hay không thành công cũng phải lượng hóa được ra bằng nhiều công cụ khác nhau. Chúng ta không thể nói chung chung, làm chung chung được.
Nhưng những người làm thương hiệu tốt sẽ không bao giờ nói trừu tượng. Họ phải biết mình phải làm cái gì, đạt tới cái gì, những mục tiêu cụ thể.
- Hơn 10 năm năm kinh doanh, anh tâm đắc nhất điều gì?
Kinh doanh làm cho cuộc đời tôi thay đổi, biến nhiều giấc mơ thành hiện thực, có cơ hội đi đây đó, thoát được khó khăn, nhưng chẳng có gì là dễ dàng và đến tự nhiên mà phải chăm chỉ, biết sáng tạo. Nhiều người rất chăm nhưng chỉ làm theo thói quen thì cũng không thành công.
Đối với kinh doanh, sự sáng tạo là yếu tố vô cùng cần thiết. Bên cạnh đó, kinh doanh có nhiều thách thức hơn nên đòi hỏi kiến thức và sự đổi mới hằng ngày. Năm 2016 dù kết thúc với doanh số khả quan nhưng tôi vẫn nhắc nhở nhân viên: hãy quên đi những thành tích và phải bắt đầu xây dựng lại sự khác biệt từng tháng một. Kinh doanh là phải thế.
- Trong suốt thời gian "chinh chiến" trên thương trường, trở ngại nào khiến anh từng bị chùn bước?
Thời gian đầu khi mới tiếp cận thị trường, doanh nghiệp của tôi gặp không ít khó khăn khi sản phẩm mới chưa có chỗ đứng, nhân sự thay đổi liên tục do công ty mới có doanh số chưa ổn định nên chưa thu hút được nhân viên. Khi sản phẩm đã có được thị trường ổn định thì khó khăn là làm sao để khách hàng không thấy mình nhàm chán, chúng tôi phải liên tục làm mới sản phẩm để tránh sự đào thải. Những khó khăn ấy giúp doanh nghiệp chúng tôi rắn rỏi hơn và có thành công nhất định.
- Ngoài công việc, triết lý sống của anh thế nào?
Tôi không có nhiều thời gian nhưng gia đình có ý nghĩa quan trọng. Chẳng hạn, nếu không đi công tác vào chủ nhật, tôi sẽ đi ăn sáng cùng cả nhà. Dịp Tết Dương lịch, cả nhà đi du lịch hoặc mùa hè cũng sắp xếp được một số ngày để đưa gia đình đi đây đi đó… Bận rộn thật đấy nhưng tôi luôn cố gắng sắp xếp làm sao để có thời gian cho vợ và các con, cũng như có sự chia sẻ với các thành viên trong gia đình mình.
Ngoài ra, muốn làm việc tốt, cũng không thể lơi là sức khỏe. Bước sang tuổi 40, tôi đã bắt đầu quan tâm hơn đến việc rèn luyện thể lực, mua thẻ tập và cố gắng duy trì ít nhất tuần 3 buổi. Giảm bớt lượng cồn vào người và uống thêm thực phẩm bổ sung từ thiên nhiên của Nhật Zetsurin Busho.
- Là một doanh nhân từng trải với thương trường, anh quan niệm ra sao về khát vọng làm giàu của người trẻ hiện nay?
Khởi nghiệp là một trường học lớn, mang lại nhiều thử thách và trải nghiệm thú vị. Việc trang bị cho bản thân một bệ phóng vững chắc về kinh nghiệm, kiến thức, mối quan hệ và nguồn lực rất quan trọng để khởi nghiệp thành công. Tôi cũng giống như các bạn trẻ, luôn hứng thú với cái mới. Nhưng như chia sẻ, luôn phải đủ tỉnh táo để trả lời một câu hỏi đơn giản, quen thuộc của bản thân: Mục tiêu cá nhân dài hạn là gì? Việc làm này có là bàn đạp để mình tiến lại gần mục tiêu cá nhân không?
Những công ty thành công đều xuất phát từ gara của nhà mình ví dụ như Bill Gates, Steve Jobs thành công bằng tiền của mình. Không có gì là một sức mạnh lớn của người khởi nghiệp. Tôi cũng nghĩ mãi, số nào là số to nhất, chúng ta cứ nghĩ rằng, số 0 là bé nhất, nhưng thực ra đó là số to nhất vì nó chia được cho tất cả các số. Vậy khi khởi nghiệp, chúng ta hãy bắt đầu từ số 0 và hãy luôn nhớ rằng, đó là sức mạnh lớn nhất của mình.
Nguồn Tri thức trẻ